Sở Du lịch tỉnh Khánh hòa

Cổng thông tin Du lịch Khánh hòa

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

DI TÍCH ĐỊA ĐIỂM LƯU NIỆM TÀU C235 (ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN)

Nghe thuyết minh: 

Một bạn trẻ ở thị xã Ninh Hòa dâng hương tại buổi lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ tàu C235.  Nguồn: Báo Khánh Hòa

Di tích địa điểm lưu niệm Tàu C235 (đường Hồ Chí Minh trên biển) thuộc xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa. Đây là di tích lưu niệm sự kiện lịch sử và những câu chuyện cảm động về sự hy sinh anh dũng của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh cùng các đồng đội Tàu C235 đã trở thành huyền thoại đi vào lịch sử và những áng văn chương.Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của nhân dân ta, để chi viện vũ khí, trang bị cho chiến trường miền Nam, cùng với đường Hồ Chí Minh trên bộ; theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn 759 tiền thân của Đoàn 125 tổ chức đường vận chuyển trên biển mang tên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Đây là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam. Để tiếp tế cho quân và dân ta trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Đoàn 125 đã chọn 4 tàu, trong đó có Tàu C235 sẵn sàng làm nhiệm vụ. Tàu C235 gồm 21 cán bộ, chiến sĩ do Trung úy Nguyễn Phan Vinh làm Thuyền trưởng và Trung úy Nguyễn Tương làm Chính trị viên, chỉ huy. Tuy nhiên, khi xuất phát làm nhiệm vụ thì có một chiến sỹ bị bệnh nên không tham gia trận chiến cuối cùng của Tàu C235 lịch sử.

Trước tết Mậu Thân 1968, ngày 6/02/1968 Tàu C235 chở 16 tấn vũ khí rời cảng ở căn cứ A2 vào bến Hòn Hèo (thôn Đầm Vân - nay là thôn Tây, xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa). Ngày 10 tháng 2, khi còn cách bờ 38 hải lý, Tàu C235 bị tàu chiến và máy bay địch phát hiện và bám theo. 12 giờ ngày 11/2, Sở chỉ huy lệnh cho tàu quay trở lại cảng A3. Ở A3, tàu được ngụy trang và sẵn sàng làm nhiệm vụ tiếp theo.

Ngày 27/2/1968 Tàu C235 rời bến từ vị trí A3. Đến 18 giờ ngày 29/2 khi đến ngang vùng biển Nha Trang, Tàu C235 bị máy bay trinh sát địch phát hiện. Lúc 23h30’, tất cả đèn của tàu địch đều tắt, chúng phục kích, theo dõi tàu ta bằng ra đa. Trước tình hình đó, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh khôn khéo điều khiển Tàu C235 luồn lách qua đội hình tàu địch và đã đến được bến lúc 00h30’ ngày mùng 1/3. Không gặp các đồng chí ở bến đón hàng, đồng chí Vinh lệnh cho đồng đội khẩn trương đưa hàng xuống nước để các đồng chí ở bến vớt lên sau.

Chừng 1 giờ sau, hàng trên tàu vơi dần. Lúc này là 1h30’ ngày mùng 01/3. Phía ngoài, 3 tàu chiến ngụy có phiên hiệu Ngọc Hồi, HQ 12, HQ 617 thuộc Vùng 2 Duyên hải và 4 tàu khác thuộc Duyên đoàn 25 của chúng lập tức được điều đến vùng biển phía Bắc Nha Trang khép chặt vòng vây với ý định bắt sống các thủy thủ trên tàu.

Thả hàng xong, Thuyền trưởng Phan Vinh viết điện báo cáo Sở chỉ huy, đồng thời cho tàu chạy ven bờ xuôi xuống Đầm Vân (nay là xã Ninh Vân) chừng độ mươi hải lý, nhằm mục đích giữ bí mật không để lộ vị trí thả vũ khí. Tàu địch lập tức đuổi theo, bật đèn pha và điện cho nhau chiếc tàu nào không bật đèn là tàu “Việt cộng”. Cuộc săn đuổi Tàu C235 mà sau này địch gọi là chiếc tàu “ma” rất quyết liệt. Chúng nã đạn dữ dội rồi gọi máy bay đến thả pháo sáng và bắn rốc-két. Trong lửa đạn, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bình tĩnh chỉ huy anh em chiến đấu và điều khiển tàu chạy sát bờ. Các thủy thủ Thật, Phong liên tiếp dùng DKZ 14 ly 5 bắn về phía tàu địch, một chiếc bốc cháy và không dám vào gần.

Cuộc chiến đấu mỗi lúc một ác liệt. Hỏa lực của địch liên tục bắn vào tàu ta, năm cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã hy sinh, hai người bị thương nặng, 7 người bị thương nhẹ. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bị mảnh đạn xượt qua đầu. Anh tự băng bó và vẫn đứng trong buồng lái động viên mọi người chiến đấu. Anh có ý định phá vòng vây bởi ngoài khơi dễ cơ động, nếu cần thì áp sát tàu địch và cho nổ tàu tiêu diệt địch. Nhưng rất không may, lúc đó máy tàu hỏng nặng. Ý định phá vòng vây không thành. Phương án hủy tàu được các thủy thủ trên tàu xác định.

Thuyền trưởng chỉ huy cho tàu di chuyển vào sát bờ. Lúc đó khoảng 2h20’, khi tàu cách bờ hơn 100 mét Thuyền trưởng tổ chức đưa đồng đội đã hy sinh và bị thương vào bờ, sau đó chuẩn bị điểm hỏa cho nổ tàu. Các đồng chí Vinh, Thứ và An cài kíp nổ ở khoang máy, các vị trí khác do các đồng chí Khung, Thật, Mai đảm nhiệm. Kiểm tra xong, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và đồng chí Thứ cho nổ tàu.

Lúc 2h40’, ngày 01/3 tàu điểm hỏa, một cột lửa bùng lên và nổ dữ dội, chấn động tới Nha Trang. Sức công phá của khối thuốc nổ khiến Tàu C235 đứt đôi, một nửa chìm xuống biển, một nửa văng lên lưng chừng mũi Bà Nam (xã Ninh Vân).

Lúc này cán bộ, chiến sỹ Tàu C235 rút lên bờ, địch tiếp tục lùng sục, tấn công. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ chốt chặn kiên cường chống trả, đánh lui nhiều đợt tấn công của địch, sức lực kiệt, vết thương ngày một nặng, súng không còn đạn, các anh đã hy sinh. Khi ấy, Trung úy, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh mới ở tuổi 35. Sự hy sinh của anh và đồng đội đã trở thành bất tử trong lực lượng Hải Quân và quân dân cả nước.

Bia ghi công 14 liệt sĩ Tàu C235

14 cán bộ, chiến sỹ Tàu C235 đã anh dũng hy sinh, các anh em còn lại đều thương tích đầy mình. Anh em cố gắng dìu nhau di chuyển khắp vùng núi đá Hòn Hèo để tránh sự truy lùng của địch và tìm du kích ở bến. Mười một ngày phơi dưới nắng, không lương thực, không nước uống, những chiến sĩ Tàu C235 kiệt sức. Đến ngày thứ 12 các cán bộ chiến sĩ mới liên lạc được với du kích ở bến và lúc này chỉ còn lại 05 đồng chí. Sau thời gian điều trị và phục hồi sức khỏe, họ đã vượt núi, băng qua đại ngàn Trường Sơn trở lại miền Bắc tiếp tục nhận nhiệm vụ mới.

Ngày 25/8/1970, Trung úy, Thuyền trưởng, liệt sỹ Nguyễn Phan Vinh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Quần đảo Trường Sa - nơi đón ánh bình minh đầu tiên của đất nước Việt Nam, có một hòn đảo được mang tên anh – đảo Phan Vinh.

Năm 1993, Lữ đoàn 125 Hải quân đã cùng chính quyền địa phương xây dựng Bia tưởng niệm 14 cán bộ, chiến sĩ Tàu C235 tại mũi Bà Nam, xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa. Phía trước là mặt biển, phía sau là núi rừng bao bọc. Bia làm bằng chất liệu đá rửa, cao 2 mét, rộng 1mét. Mặt trước khắc ngắn gọn nội dung về sự kiện Tàu C235. Mặt sau ghi tên tuổi, năm sinh, quân hàm, chức vụ, quê quán của 14 cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh. Phía bên phải bia tưởng niệm còn một số mảnh vỡ của Tàu C235. Hàng năm vào dịp Tết Nguyên Đán, ngày 1/3, ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, tại Địa điểm lưu niệm Tàu C235 đại diện chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể, học sinh và Học viện Hải quân tiến hành lễ tưởng niệm với nghi thức diễn ra rất trang nghiêm, long trọng.

Với giá trị tiêu biểu về lịch sử, quân sự, sự chiến đấu và anh dũng hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ tàu C235, ngày 26/4/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định số 1262/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Địa điểm lưu niệm Tàu C235 (đường Hồ Chí Minh trên biển) là Di tích lịch sử Quốc gia.

Năm 2016, UBND tỉnh Khánh Hòa đã long trọng tổ chức lễ khánh thành khu tưởng niệm tại Di tích địa điểm lưu niệm Tàu C235 nhằm tôn vinh sự hy sinh cao cả của các anh hùng nơi mảnh đất xứ Trầm biển yến. Với tiềm năng và những lợi thế sẵn có, trong tương lai di tích Địa điểm lưu niệm Tàu C235 sẽ trở thành địa chỉ đỏ du lịch về nguồn của tỉnh Khánh Hòa.

Lãnh đạo tỉnh và thị xã Ninh Hòa tại buổi lễ Tưởng niệm 54 năm Tàu C235 và 14 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Nguồn: Báo Khánh Hòa

Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa

http://bando.ditichkhanhhoa.org.vn/di-san-van-hoa/di-tich-dia-diem-luu-niem-su-kien-tau-c235


Tác giả: Trung tâm Bảo tôn Di tích tỉnh Khánh Hòa
Nguồn: http://bando.ditichkhanhhoa.org.vn/di-san-van-hoa/di-tich-dia-diem-luu-niem-su-kien-tau-c235
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin mới nhất
Thời tiết