Sở Du lịch tỉnh Khánh hòa

Cổng thông tin Du lịch Khánh hòa

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dấu ấn riêng của lễ hội Cầu ngư

Việc tái hiện lễ hội Cầu ngư trong mỗi kỳ Festival Biển đã để lại nhiều ấn tượng đẹp đối với công chúng. Từ đó, nhiều người mong muốn hoạt động này được nâng cấp cả về quy mô, mật độ tổ chức để có thể trở thành một lễ hội đường phố mang đậm màu sắc văn hóa của người dân vùng biển.

Nét văn hóa đặc trưng


Lễ hội Cầu ngư bắt nguồn từ tục thờ ông Nam Hải của cư dân miền biển nước ta. Trong đó, Khánh Hòa là một trong những địa phương tiêu biểu còn gìn giữ, tái hiện lễ hội Cầu ngư trong cộng đồng dân cư với đầy đủ nghi thức truyền thống. Chính vì thế, năm 2014, lễ hội Cầu ngư của ngư dân Khánh Hòa đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. “Việc tổ chức lễ hội Cầu ngư trong mỗi kỳ Festival Biển nhằm tái hiện các hình thức nghệ thuật truyền thống và diễn xướng dân gian của cư dân vùng biển Khánh Hòa vẫn được người dân lưu truyền từ bao đời nay, qua đó góp phần quan trọng vào việc bảo tồn nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc trưng của cư dân miền biển. Đồng thời, góp phần quảng bá những nét đặc sắc của giá trị di sản văn hóa đến với du khách trong nước và quốc tế”, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết.

 

Màn diễu hành mô phỏng lễ nghinh Ông trong hoạt động tái hiện lễ hội Cầu ngư ở Festival Biển 2019.

Màn diễu hành mô phỏng lễ nghinh Ông trong hoạt động tái hiện lễ hội Cầu ngư ở Festival Biển 2019.


Theo dõi màn tái hiện lễ hội Cầu ngư ở kỳ Festival Biển vừa qua, nhiều người dân và du khách đã được hòa mình vào bầu không khí rộn ràng, sôi động. Những ngư dân của 2 phường Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường (TP. Nha Trang) vốn quen nghề chài lưới, đã trở thành những diễn viên chính trong màn diễn xướng dân gian đặc sắc. Đội hình diễu hành mô phỏng cảnh nghinh Ông với sự tham gia của hàng trăm người trong những bộ trang phục truyền thống đẹp mắt. Cùng với đó là cảnh cờ, lọng, kiệu, hoa… và mô hình con thuyền, cùng đoàn lân sư rồng đã mang đến không khí lễ hội sôi động. Tiếng trống, tiếng chiêng liên hồi như thúc giục, thu hút mọi người cùng tham gia vào đoàn diễu hành trên phố. Thỉnh thoảng, các ngư dân dừng lại để thực hiện những màn biểu diễn trạo chầu đặc sắc. Những lời hát, nhịp múa mô phỏng lại cảnh lao động trên biển của ngư dân đã tạo được cảm xúc đối với người xem. “Tham gia vào đoàn diễu hành thực sự tạo nên sự phấn khích đối với khán giả. Qua đây, tôi đã phần nào hiểu hơn về lễ hội Cầu ngư, cũng như bản sắc văn hóa của cư dân miền biển”, chị Lê Thị Thanh Đào - du khách đến từ Hà Nội cho biết.


Nâng tầm lễ hội


Hoạt động tái hiện lễ hội Cầu ngư lần này, ban tổ chức đã đưa thêm một số hoạt động như: tiết mục múa lục cúng hoa đăng, biểu diễn lân sư rồng để lễ hội thêm sôi nổi. Tuy nhiên, nhiều người mong muốn việc tổ chức hoạt động này cần được mở rộng cả về quy mô và thời gian tổ chức thường niên hơn. “Mỗi lần tham gia hoạt động này, chúng tôi đều thấy tự hào khi giới thiệu văn hóa truyền thống đến mọi người. Hàng năm, ở các làng biển vẫn thường tổ chức lễ hội Cầu ngư nhưng chỉ trong phạm vi nhỏ. Được tỉnh quan tâm tái hiện như thế này, chúng tôi vẫn mong lễ hội sẽ được tổ chức với quy mô lớn hơn để thu hút sự quan tâm của nhiều người hơn”, nghệ nhân Nguyễn Sỹ Huynh (phường Vĩnh Nguyên) chia sẻ. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Tứ Hải, lễ hội Cầu ngư mang những sắc màu văn hóa đặc trưng, cũng như tín ngưỡng, tình cảm của ngư dân. Chính vì thế, để mọi người hiểu hơn về văn hóa biển, văn hóa của những người làm nghề biển cần có sự giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn về lễ hội. Lễ hội Cầu ngư hoàn toàn có thể độc lập trở thành một lễ hội đường phố, nhất là ở một thành phố du lịch biển như Nha Trang. Tuy nhiên, dù đã được diễn ra ở nhiều kỳ Festival Biển, nhưng quy mô của hoạt động này vẫn còn rất chừng mực.


Theo ông Văn Đình Ân - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, với trách nhiệm của đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện hoạt động tái hiện lễ hội Cầu ngư, trung tâm đã cố gắng để lễ hội có thể mang lại không khí sôi nổi nhất. Tuy nhiên, để hoạt động này được mở rộng quy mô xứng tầm hơn, diễn ra thường xuyên hơn cần thêm nhiều điều kiện nữa. Ông Lê Văn Hoa cho biết, năm 2018, Khánh Hòa đã có dịp giới thiệu nghi thức chính của lễ hội Cầu ngư tại Hà Nội và nhận được sự hưởng ứng tích cực của khán giả thủ đô. Chính vì thế, những người làm công tác văn hóa rất mong muốn việc tái hiện lễ hội Cầu ngư một cách xứng tầm hơn. Nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn tác động đến việc có thể nâng tầm sự kiện này, cũng như đưa nó trở thành một lễ hội mang màu sắc đường phố.
 

Giang Đình


Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/201905/dau-an-rieng-cua-le-hoi-cau-ngu-8115959/
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin mới nhất
Thời tiết